

Phòng trẻ em đẹp và an toàn
Ngày đăng : 16/9/2015, Posted by soncongnghiephanghai.com
Phòng trẻ em về cơ bản cũng là một phòng ở, nhưng phải đáp ứng được một số yêu cầu mà các phòng khác không cần hoặc có thể bỏ qua. Yêu cầu chủ yếu là điều kiện an toàn, tiếp đến là sự thông thoáng và thẩm mỹ phù hợp với lứa tuổi.
Đảm bảo điều kiện an toàn
- Phòng dành cho trẻ em phải là không gian gần nơi sinh hoạt, sử dụng thường xuyên của người trông coi chăm sóc (có thể là gần bếp là nơi người mẹ dễ kiểm soát và thuận tiện làm việc của mình). Phòng ngủ của bố mẹ phải quan sát dễ dàng phòng trẻ em. Tuy nhiên phòng trẻ không nên gần phòng khách, vì tính hiếu động của trẻ có thể làm ảnh hưởng đến việc tiếp khách.
- Cửa sổ phòng trẻ phải có song sắt an toàn, dù là cửa nội bộ vì trẻ dễ nghịch ngợm leo trèo. Cánh cửa phải có chốt hãm và móc gió để cố định cánh sát vào tường không va đập gây tai nạn trong lúc trẻ chơi đùa sơ ý. Cửa sổ phòng trẻ cần cao, tránh để trẻ trèo lên bậu cửa, dù có chấn song sắt cũng rất nguy hiểm. Cửa đi nên làm bằng vật liệu bền vững an toàn, không nên lắp kính. Tay nắm cửa có thể làm thấp xuống để vừa tầm với của trẻ và nên lắp loại khóa có tay kéo dễ vặn hơn loại nắm tròn. Nếu trẻ nhà bạn đang ở độ tuổi tập đi, nên làm thêm cửa phụ có tác dụng chặn trẻ không đi ra khỏi phòng nhưng người lớn vẫn dễ dàng đi lại.
- Phòng dành cho trẻ em không nên lát nền bằng các vật liệu trơn nhẵn như đá hoa cương hay gạch men bóng. Vật liệu tốt nhất là sàn gỗ, do nhiều ưu điểm như ấm áp về mùa đông, lại mát về mùa hè và không quá trơn trượt. Nếu đã lát loại gạch men bóng, bạn nên sử dụng thảm trải hoặc tấm nhựa vinyl phủ lên, giữ độ an toàn cho trẻ khi nghịch ngợm, chơi đùa trên sàn. Tường phòng không nên sử dụng giấy dán tường. Chúng có thể bị bong khi trời ẩm hoặc trẻ dễ nghịch xé rách. Tốt nhất là bả và sơn bình thường để dễ dàng lau rửa. Cũng loại trừ các loại sơn gai, sơn có hoa văn lấm tấm rất dễ bẩn và có thể làm trẻ bị đau khi va quệt.
Kích thước, kiểu dáng đồ phù hợp
- Đồ đạc trong phòng trẻ nên dùng loại có kích thước phù hợp, không nên sử dụng chung các đồ của người lớn. Không dùng các đồ bằng kim loại có cạnh sắc, hay kính. Đồ dùng bằng gỗ sơn là tốt nhất vì dễ sơn lại khi đã cũ, bẩn. Đồ đạc không chú trọng tinh xảo, cầu kỳ mà cần bền vững, chắc chắn, chịu được sự va đập thường xuyên. Đồ đạc tốt nhất là loại lắp ghép và nhiều màu, có thể thay đổi kiểu tổ hợp thường xuyên để trẻ thấy thích thú. Không sợ trẻ làm hỏng đồ dùng mà cất đi. Nên tạo cho trẻ có thói quen giữ gìn bảo vệ các đồ vật mình có.
- Giường của trẻ nên đặt gần cửa sổ để nhận được khí trời thoáng đãng, tránh cho trẻ bị ngột ngạt về đêm. Thành giường không nên quá cao, chừng 30 – 40 cm là vừa. Thành giường nên kín hoặc có tủ để đồ dưới gầm giường vì để trống, trẻ dễ làm rơi các đồ chơi vào gầm giường. Thành giường thấp không cần làm lan can chắn vì vật cứng dễ gây tai nạn cho trẻ. Thành giường cao, giường tầng bố trí một thanh lan can chắn bằng inox hoặc gỗ mềm, tránh mọi va đập gây trầy xước cho trẻ
- Trẻ dưới 10 tuổi, khi đóng hoặc chọn mua đồ đạc bạn phải chú ý đến kích thước và loại vật liệu phù hợp. Tránh tối đa những vật dễ vỡ như bàn kính, ghế xếp dễ bị lật ngửa. Không nên chất các vaath dụng nặng lên các ngăn trên cao hoặc nóc tủ, trong tầm với của trẻ. Trẻ từ 10 tuổi trở lên đã có ý thức về thẩm mỹ. bạn có thể để trẻ tự chọn các đồ đạc cho mình, có sự hướng dẫn của cha mẹ. Hãy hướng con cái chọn những đồ vật có tính chất bền, chắc, không phải là vật trang trí hào nhoáng.
Bố trí góc học tập
- Góc học tập là nơi khá quan trọng trong cuộc sống của một đứa trẻ, bởi ở đó chúng có thể tiếp nhận mọi tri thức để bước vào đời. Bàn học của trẻ là vật khá thiết yếu, dù trẻ chưa đến tuổi đi học. Bộ bàn ghế học tập không cần tinh xảo, cầu kỳ mà cần bền vững, chắc chắn, chịu được sự va đập thường xuyên. Cần quan tâm bố trí góc học tập sao cho gọn gàng, ngăn nắp và cũng cần hấp dẫn, cuốn hút trẻ. Chỉ có như vậy, trẻ mới ưa thích góc học tập và cảm thấy thích thú với công việc học hành.
- Không nên bố trí nhiều đồ đạc trong phòng trẻ, vì trẻ rất hiếu động cần không gian để chạy nhảy, chơi đùa. Dù trẻ hiếu động hay không, rất khó tránh khỏi việc trẻ nghịch ngợm, vẽ viết lung tung ra bàn và các đồ vật. Bắt trẻ không được viết, vẽ lung tung là điều khó thực hiện, bạn nên dành hẳn khu vực cho trẻ được tự do “nghịch ngợm”: những tấm bảng rộng theo cả bức tường, để trẻ tha hồ “phóng túng” những nét vẽ đầu đời.
Tính hợp lý, khoa học trong bài trí
- Thói quen gọn gàng của trẻ có thể được tạo nên khi bạn bài trí đồ đạc trong phòng trẻ ngăn nắp, trật tự. Đồ chơi không nên vứt bừa bãi trên sàn nhà mà sử dụng tủ để đồ hoặc hộp bìa carton lớn (loại đựng ti vi hay thiết bị điện tử có kích thước lớn). Sau khi trẻ chơi xong, tập cho trẻ thói quen cất gọn mọi đồ dùng. Khi trẻ ngồi vẽ, nghịch ngợm với cây bút, tờ giấy cũng nên cho trẻ ngồi vào bàn.
Nhãn : sơn nội thất sơn trang trí sơn nội thất maxilite sơn nội thất jotun sơn công nghiệp đại lý sơn dulux

Design by hOlY8x - QuangGo